TRƯỜNG MẦM NON CHIỀNG BAN THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NUÔI DƯỠNG, CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ
Giáo dục Mầm non là một ngành học mở đầu trong hệ thống giáo dục Quốc dân, chiếm vị trí rất quan trọng nó có nhiệm vụ đặt nền móng xây dựng những cơ sở ban đầu cho việc hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa. Chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhất về sức khỏe, tâm thế để trẻ bước vào học phổ thông một cách tốt nhất.
Chất lượng giáo dục mầm non do đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên mầm non quyết định. Họ là nhân tố trung tâm của quá trình thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo. Vai trò của ngành học chỉ được thể hiện và phát huy bằng chính vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý và trực tiếp là người giáo viên mầm non- chủ thể trực tiếp của quá trình chăm sóc giáo dục trẻ, vì vậy muốn nâng cao chất lượng của ngành học, vấn đề mang tính chiến lược hàng đầu là phải đổi mới công tác quản lý trong nhà trường đi đôi với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cả về trình độ, phẩm chất và năng lực. Để thực hiện đổi mới công tác quản lý trong nhà trường trước hết tập trung thực hiện đổi mới các nội dung sau:
Quản lý trong ngành giáo dục không chỉ đơn giản là quản lý con người, quản lý trẻ, quản lý nhân sự mà quan trọng hơn nữa là quản lý chỉ đạo công việc hàng ngày, quản lý xây dựng thực hiện kế hoạch và chiến lược lâu dài. Ngoài ra Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng cũng phải linh hoạt sáng tạo trong việc vận động tập hợp quần chúng tạo nên sự gắn kết thống nhất trong tập thể nhà trường, tạo môi trường học tập, giao tiếp để nhà trường không chỉ là nơi làm việc mà vừa là tổ ấm để mọi người thân thiện và gắn bó với nhau hơn. Ban giám hiệu trước hết phải làm gương đi đầu trong mọi hoạt động, làm việc hết sức khoa học có tinh thần trách nhiệm cao, ghi nhận những thiếu sót và sau đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời cho phù hợp. Ngoài ra để làm tốt công tác quản lý Hiệu trưởng phải là người luôn tin tưởng, tôn trọng cấp dưới, biết tôn trọng ý kiến quần chúng và luôn tin tưởng đồng nghiệp. Giao việc cho cấp dưới sau đó cần kiểm tra có sự phản hồi để biết kết quả làm được tới đâu và có hướng giải quyết tiếp theo. Về cá nhân, để thực hiện đổi mới quản lý hơn ai hết người Hiệu trưởng phải biết tự đổi mới mình về cả cách nhìn nhận và phương thức thực hiện để xây dựng nhà trường ngày một phát triển
Về mặt tinh thần Hiệu trưởng cần tạo bầu không khí vui vẻ thân thiện, gần gũi phát huy tạo điều kiện để cho các Phó hiệu trưởng tự chủ động công việc và biết tham mưu đề xuất các hướng giải quyết phù hợp để mang lại hiệu quả cao trong công việc
Hiệu trưởng là người vừa nắm bắt thông tin, bên cạnh đó cần kiểm soát thông tin và biết cách xử lý thông tin hợp tình, hợp lý và phải có tính sáng tạo phù hợp với đơn vị của mình. Việc nắm bắt và xử lý thông tin của Hiệu trưởng cũng phải khách quan không cứng nhắc không áp đặt. Tính sáng tạo của Hiệu trưởng được thể hiện qua vai trò lãnh đạo quán xuyến, hoạch định về chiến lược, tầm nhìn sứ mệnh của nhà trường theo từng giai đoạn và lâu dài. Người lãnh đạo nhà trường không chỉ làm đúng, làm tròn kế hoạch mà cần có chiến lược và sáng tạo riêng. Người lãnh đạo phải biết căn cứ và tìm ra cơ chế quản lý dựa trên hành lang pháp lý để phát huy mọi khả năng của từng cá nhân, từng bộ phận. Sự tương tác đó sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển nhà trường theo chiều hướng đi lên. Ban giám hiệu nhà trường phải có tham vọng để xây dựng nhà trường ngày một hoàn thiện, lớn mạnh và phát triển chứ không chỉ bằng lòng với những gì mình đã làm hoặc đã có từ trước.
Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên gần gũi chia sẻ, động viên, giúp đỡ kịp thời và làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên về mặt tinh thần cho cán bộ giáo viên và nhân viên. Tuy đó chỉ là những quan tâm nhỏ, nhưng giáo viên thấy được sự quan tâm chăm lo của ban giám hiệu thì sẽ tạo được động lực cho cán bộ giáo viên và nhân viên trong nhà trường nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa.
Đổi mới công tác quản lý trong giáo dục không chỉ đơn thuần là đổi mới cách làm việc của Ban giám hiệu nhà trường mà còn là đổi mới cách làm việc, cách thức tổ chức các hoạt động của các đoàn thể như chi bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên đến các tổ chuyên môn, giáo viên và nhân viên. Mỗi tổ chức, mỗi đoàn thể thực hiện hoạt động theo đúng quy chế, đúng thực tế và có chất lượng tránh hình thức dập khuân máy móc như vậy sẽ đem lại hiệu quả cao. Mọi hoạt động được tổ chức triển khai theo sơ đồ hình cây thực hiện công việc từ trên xuống dưới; nếu có phản ánh, ý kiến gì thì sẽ ý kiến từ dưới lên không để xảy ra tình trạng ý kiến vượt cấp. Làm việc theo đúng chức danh đảm nhiệm tránh chồng chéo công việc, phân công đúng người đúng việc phù hợp với năng lực sở trường của từng cá nhân, không để một người phải làm nhiều việc một lúc dẫn đến hiệu quả công việc không cao. Các tổ chức đoàn thể phát huy hết trách nhiệm, sát sao nắm bắt tâm tư tình cảm của thành viên trong tổ chức mình, tích cực tạo sân chơi lành mạnh cải thiện tinh thần để mọi người có động lực làm việc hiệu quả tạo sự gắn kết trong tập thể nhà trường
Thực tế hiện nay trường nào cũng còn khó khăn, có trường khó khăn ít có trường khó khăn nhiều. Hàng năm trước khi kết thúc năm học ban giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch trình Lãnh đạo cấp trên, lãnh đạo địa phương nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư các trang thiết bị cho năm học mới. Bên cạnh đó phải biết huy động nguồn lực để xây dựng nhà trường và tổ chức các hoạt động. Vận động phụ huynh học sinh và các mạnh thường quân đóng góp để xây dựng cảnh quan môi trường, sân chơi cho trẻ khang trang sạch sẽ.
Nhà trường đã xây dựng kế hoạch, lập dự toán chi tiết từng hạng mục cần làm, dự kiến nguồn kinh phí, công khai dự toán đến các tổ chức, cá nhân và tập thể giáo viên trong trường được biết để ủng hộ. Nhà trường đã tranh thủ được nhiều nguồn lực để xây dựng phòng học, sân chơi, xây dựng khu vui chơi ngoài trời đáp ứng yêu cầu học tập- hoạt động phát triển toàn diện các lĩnh vực của các cháu. Chú trọng xây dựng môi trường vật chất: Đảm bảo khuôn viên trường học; Nhà vệ sinh; Khu vực bếp ăn; Khu vực sân chơi, bãi tập; Phòng y tế; Các lớp học; Phòng chức năng; Internet; Thiết bị điện; Khu vực để xe đều được bố trí an toàn.
Để tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị đồ dùng đồ chơi chúng tôi khuyến khích giáo viên làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ từ những nguyên vật liệu sẵn có vừ đẹp mắt lại bền khi sử dụng .
Trong thời đại Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá hiện nay đồ chơi hiện đại ngày càng nhiều. Nhưng trong điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn, nhất là đối với vùng nông thôn thì đồ dùng dạy học, đồ chơi còn là vấn đề nan giải. Hơn nữa trong thực tế nhiều đồ dùng đồ chơi rất thiết thực nhưng chưa có trên thị trường, hoặc nếu tận dụng từ vật liệu từ địa phương thì giá rẻ hơn rất nhiều, nhưng không kém phần hấp dẫn trẻ. Chính vì vậy ngay từ đầu năm học Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo cho tổ chuyên môn, xây dựng kế hoạch làm đồ dùng dạy học, đồ chơi tự tạo để phục vụ cho việc giáo dục các cháu. Khi xây dựng kế hoạch làm đồ dùng dạy học, đồ chơi tự tạo, phải định ra được những đồ chơi nào cần từ đầu năm thì hoàn thành trong tháng 8, còn những đồ dùng đồ chơi khác thì có thể bổ sung dần theo từng tháng, phù hợp với từng chủ đề trong năm học. Trên cơ sở cùng phối hợp với phụ huynh học sinh để nhờ họ hỗ trợ về nguyên vật liệu hoặc thiết kế mẫu mã...Hàng năm nhà trường tổ chức hội thi : “Trưng bày và làm đồ dùng đồ chơi”. Các giáo viên đạt giải nhà trường đều khen thưởng, động viên kịp thời.
Ngoài ra nhà trường còn trang bị, tư vấn cho giáo viên các mẫu thiết kế đồ dùng đồ chơi đẹp, bền, có giá trị sử dụng cao, sử dụng nguyên vật liệu phế thải, để giáo viên làm đồ dùng đồ chơi phục vụ lớp của mình. Chỉ cần mỗi năm sửa sang nâng cấp thêm được một ít là sẽ giảm bớt được tình trạng khó khăn lâu dài của nhà trường
Muốn nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, không thể không nói đến bồi dưỡng giáo viên qua nhiều hoạt động đặc biệt là hoạt động tổ chuyên môn. Tập trung bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, những nội dung mà giáo viên còn yếu và các chuyên đề thực hiện trong năm học, về đổi mới phương pháp dạy học, các thiết kế đồ dùng dạy học, kiến thức tin học...v..v. Thường xuyên thực hiện tốt các buổi sinh hoạt chuyên môn nhà trường, sinh hoạt tại các tổ chuyên môn, qua tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tự học tập. Đồng thời cho giáo viên dự giờ và tăng cường thao giảng các tiết dạy. Giáo viên lâu năm có trách nhiệm dìu dắt giáo viên trẻ qua công việc cụ thể như rút kinh nghiệm dự giờ, hướng dẫn soạn giảng, nhất là những bài mới, bài khó. Bồi dưỡng giáo viên qua các chuyên đề, hội giảng, hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp; Chỉ đạo giáo viên phối kết hợp chặt chẽ với gia đình, cộng đồng tạo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho trẻ. Tạo sự thống nhất giữa cha mẹ với nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
Trao đổi mới về phương pháp dạy học, về thiết kế bài dạy (giáo án); về đổi mới nội dung đổi mới hình thức tổ chức hoạt động cho trẻ. Trao đổi những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình thu thập được từ sách báo, tài liệu, tập san của ngành.
Giáo viên trao đổi những vướng mắc về chuyên môn đã nảy sinh trong quá trình giảng dạy hoặc qua dự giờ đã phát hiện được. Đặc biệt đi sâu thảo luận những đề tài mà đa số giáo viên cho là khó, từ đó đưa ra những phương pháp, biện pháp giúp giáo viên vững vàng hơn về chuyên môn, hay phân công giáo viên chuẩn bị, trình bày, tổ góp ý kiến, rút kinh nghiệm để dạy trên lớp.
Phân công giáo viên có năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng kèm cặp giúp đỡ giáo viên mới ra trường hoặc giáo viên còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Sắp xếp thời gian để giáo viên dự giờ dạy của các giáo viên có kinh nghiệm để học tập.
Tổ chức bồi dưỡng giáo viên thông qua các chuyên đề như: “Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng lấy trẻ làm trung tâm”. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học tôi đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tổ chức trao đổi, hướng dẫn giúp giáo viên hiểu rõ nội dung “Đổi mới phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” Chỉ đạo giáo viên thiết kế môi trường giáo dục trong lớp và môi trường ngoài trời theo hướng lấy trẻ là trung tâm; sắp xếp, trang trí môi trường sư phạm trong ngoài lớp luôn “sáng - xanh - sạch- đẹp”. Mỗi giáo viên luôn quan tâm, chú trọng bố trí, sắp xếp các góc hoạt động hợp lý; thường xuyên thay đổi, bổ sung đồ dùng, đồ chơi từng góc theo từng chủ đề đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với trẻ từng độ tuổi để khuyến khích trẻ có thể sử dụng theo nhiều cách khác nhau.
Nhà trường đã tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm với chủ để trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện”, qua đó bổ sung được đồ dùng, đồ chơi cho các khu vui chơi; giáo viên được chia sẻ học tập kinh nghiệm giáo dục trẻ, trẻ được chủ động tích cực vui chơi, tìm tòi khám phá, trải nghiệm, hợp tác và chia sẻ ý tưởng cùng bạn bè./.